Đường Nguyễn Sáng

Địa điểm:

Nằm trên địa bàn phường Mân Thái

Lý trình:

Điểm đầu là đường Trương Định, điểm cuối là đường Phùng Tá Chu

Chiều dài toàn tuyến:

Dài 414m

Lộ giới đường:

25,5m (mặt cắt lòng đường 10,5m; vỉa hè 7,5m)

Tiểu sử nhân vật:

Nguyễn Sáng là một họa sĩ của Việt Nam, có nhiều đóng góp tiêu biểu cho hội họa hiện đại Việt Nam. Ông là họa sĩ có tư tưởng, giải quyết vấn đề xã hội lớn lao, gay cấn rất nhuần nhị, lay động với hình họa và màu sắc hiện đại, giản dị mà không khô khan, không sáo rỗng bởi con tim thành thực yêu thương cùng với tài năng biến ảo, đa dạng. Cùng với Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tư Nghiêm, ông là cây đại thụ của sơn mài Việt Nam. Những tác phẩm thành công nhất của Nguyễn Sáng nằm ở sơn mài và đấy là đóng góp lớn nhất của Nguyễn Sáng cho hội họa cả về chất liệu và danh tiếng. Nguyễn Sáng là một trong nhóm tứ kiệt của làng hội họa Việt Nam: Nghiêm, Liên, Sáng, Phái.

Ông sinh ngày 01 tháng 8 năm 1923 tại làng Điều Hòa, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). Năm 1938, ông thi đỗ vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Tháng 8 năm 1945, ông tham gia cách mạng ở Hà Nội. Cuối tháng 12 năm 1946, ông lên chiến khu Việt Bắc, dùng nét vẽ của mình, phục vụ cuộc kháng chiến của dân tộc. Tranh của ông gồm nhiều thể loại và đề tài, ở thể loại và đề tài nào ông cũng đều thành công. Về đề tài chiến tranh, ông có các tác phẩm Giặc đốt làng tôi, Kết nạp đảng ở Điện Biên Phủ, Hành quân đêm mưa, Bộ đội nghỉ trưa trên đồi, Thành đồng Tổ quốc. Về thể loại tranh chân dung, ông có hai tác phẩm nổi tiếng là Tự hoạ và Không gian. Ông là bậc thầy về mô tả, làm nổi bật cả tính cách lẫn đặc điểm của nhân vật.

Sau Cách mạng Tháng Tám, ông nhiệt thành tham gia cách mạng, vẽ tranh tuyên truyền cổ động, thiết kế tem và giấy bạc Việt Nam. Ông là người thiết kế bộ tem bưu chính đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, phát hành năm 1946, thể hiện chân dung Hồ Chí Minh, Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm 1949, trong thời kỳ kháng chiến cực kỳ gian khổ ở núi rừng Việt Bắc, đáp ứng yêu cầu kháng chiến, Nguyễn Sáng lại được giao thiết kế bộ tem thứ hai - "Kỷ niệm lần thứ 59 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh", thể hiện chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông mất ngày 16 tháng 12 năm 1988 tại Thành phố Hồ Chí Minh, thọ 65 tuổi. Tên tuổi của ông được ghi trong Từ điển Bách khoa Larousse ở Pháp. Ông đã được nhà nước truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật đợt 1 vào năm 1996.

Giao với đường Nguyễn Sáng

Street

Data are being updated