Đường Nguyễn Văn Thoại

Tiểu sử nhân vật:

Địa điểm: Nằm trên địa bàn phường An Hải Đông và Phước Mỹ

Lý trình: Điểm đầu là đường Ngô Quyền, điểm cuối là đường Võ Nguyên Giáp 

Chiều dài toàn tuyến: Dài 1.120m

Lộ giới đường: 25m (mặt cắt lòng đường 15m; vỉa hè 5m)

Tiểu sử nhân vật:

Nguyễn Văn Thoại (sinh năm 1761, mất năm 1829) sinh ra và lớn lên tại làng An Hải, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng). 

Thời niên thiếu, Nguyễn Văn Thoại cùng gia đình di cư vào Nam đời chúa Nguyễn Phước Khoát, sống tại làng Thới Bình, trên cù lao Dài (nay thuộc huyện Vũng Liêm), tỉnh Vĩnh Long. Năm 1777, ông đầu quân vào quân đội của Nguyễn Ánh, lập nhiều công trang và được phong tước là Thoại Ngọc Hầu. Năm 1817, Nguyễn Văn Thoại được triều đình nhà Nguyễn giao giữ chức Trấn thủ trấn Vĩnh Thanh. Mấy tháng sau, vào năm 1818, Nguyễn Văn Thoại cho đào sâu mở rộng con kênh Ba Rạch - tên chữ là Tam Khê - dài hơn 30 cây số nối Long Xuyên với Rạch Giá - tên chữ là Giá Khê, được xem là con kênh đào đầu tiên ở Nam Bộ. Để ghi công Nguyễn Văn Thoại, vua Gia Long cho đổi tên con kênh mới thành Thoại Hà, ngọn núi bên bờ phía đông của Thoại Hà tục gọi núi Sập cũng được vua Gia Long cho đổi tên thành Thoại Sơn. 

Đầu năm 1820, Nguyễn Văn Thoại cho đào kênh Vĩnh Tế dài hơn 91 cây số nối Châu Đốc với Hà Tiên, dẫn nước ra vịnh Thái Lan, đến năm 1824 mới xong. Cuối năm 1822, Nguyễn Văn Thoại lập làng Thoại Sơn và dựng bia Thoại Sơn ở triền núi Sập. Trên tấm bia này, ông thể hiện sự gắn bó của mình với quê cha đất tổ - “lão thần vốn người Quảng Nam”. Cuối năm 1826, Nguyễn Văn Thoại  cho đắp con đường từ Vĩnh Tế sơn tới chợ Châu Đốc núi Sam dài khoảng 5 cây số, hoàn thành vào đầu năm 1827. Cũng trong năm 1827, Nguyễn Văn Thoại về thăm quê lần cuối và góp công rất lớn trong việc tái lập chợ An Hải theo nguyện vọng của nhân dân làng An Hải quê ông và các làng lân cận Mỹ Khê, Hóa Khuê, Mỹ Thị, Phước Trường, Tân An, Nam An bên hữu ngạn sông Hàn. 

Năm 1828, Nguyễn Văn Thoại cho dựng Phụng đặc tứ danh Vĩnh Tế sơn bi ký gồm 750 chữ Nôm bên bờ kênh Vĩnh Tế. Cũng trong năm này, Nguyễn Văn Thoại cho dựng bia Châu Đốc tân lộ kiều lương ký (Chép việc làm cầu đường mới ở Châu Đốc) dưới chân Núi Sam/núi Vĩnh Tế. Năm 1829, Nguyễn Văn Thoại từ trần, an táng nơi chân Núi Sam/Núi Vĩnh Tế và được người dân An Giang thờ trong một ngôi đình từng là nơi thờ sơn thần ở thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn. Đặc biệt, Nguyễn Văn Thoại được dân làng thờ chung trong Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải (nay thuộc phường An Hải Tây, quận Sơn Trà). 

Nguyễn Văn Thoại được người Đà Nẵng vinh danh qua việc đặt tên đường trên địa bàn quận Sơn Trà vào năm 2006 và vợ ông là Châu Thị Vĩnh Tế cũng được đặt tên đường ở Ngũ Hành Sơn vào năm 2009 nối vào đường Nguyễn Văn Thoại. 

Giao với đường Nguyễn Văn Thoại

Street

Data are being updated