Đường Phạm Văn Đồng

Địa điểm:

Nằm trên địa bàn các phường An Hải Bắc, Phước Mỹ

Lý trình:

Điểm đầu là đường Võ Nguyên Giáp, điểm cuối là đường Ngô Quyền

Chiều dài toàn tuyến:

Dài 1.605m

Lộ giới đường:

58m (mặt cắt lòng đường 30m; vỉa hè 9m)

Tiểu sử nhân vật:

Phạm Văn Đồng (1906-2000), bí danh là Tô. Ông là học trò, cộng sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sinh ngày 01 tháng 03 năm 1906 tại làng Thi Phổ Nhất, nay thuộc xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là nhà hoạt động chính trị, nhà văn hoá lớn của Việt Nam.

Những năm 1925- 1926, khi đang học tại Hà Nội, ông tham gia phong trào học sinh đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu (1925) và để tang cụ Phan Châu Trinh (1926). Sau đó, ông đi Quảng Châu (Trung Quốc) dự lớp huấn luyện do Nguyễn Ái Quốc tổ chức và được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (1926).

Cuối năm 1927, ông về nước, tham gia hoạt động cách mạng ở Sài Gòn, đến đầu năm 1929, được cử vào Kỳ bộ thanh niên Nam Kỳ. Tháng 5 năm 1929, ông đi Hồng Kông (Trung Quốc) dự đại hội của tổ chức này và được bầu vào Tổng bộ và Ban trù bị thành lập Đảng Cộng sản. Tháng 7 năm 1929, Phạm Văn Đồng trở về Sài Gòn hoạt động cách mạng và bị thực dân Pháp bắt, kết án 10 năm tù, đày đi Côn Đảo. Tháng 7 năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận Bình dân Pháp, thực dân Pháp ở Đông Dương buộc phải trả tự do cho Phạm Văn Đồng nhưng lại đưa ông về quê quản thúc. Trở về Quảng Ngãi một thời gian, ông bí mật liên lạc với tổ chức Đảng ở Quảng Ngãi, tiếp tục hoạt động cách mạng, sau đó ra Hà Nội tham gia hoạt động công khai.

Tháng 5 năm 1940, Phạm Văn Đồng đi Côn Minh (Trung Quốc) gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Sau đó, ông được cử đi hoạt động cách mạng ở Liễu Châu, Tĩnh Tây (Trung Quốc). Đầu năm 1942, ông được cử về Cao Bằng xây dựng căn cứ địa cách mạng ở các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn. Tháng 8 năm 1945, Phạm Văn Đồng dự Đại hội Quốc dân Tân Trào và được vào Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông trở thành Bộ trưởng Bộ Tài chính trong Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tháng 5 năm 1946, ông đảm nhận nhiệm vụ Trưởng phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đàm phán với Chính phủ Cộng hoà Pháp tại Hội nghị Fontainebleau.

Trước ngày kháng chiến toàn quốc (ngày 19 tháng 12 năm 1946), Phạm Văn Đồng được cử vào Quảng Ngãi làm đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ tại miền Nam Trung Bộ, trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở đây. Đầu năm 1949, ông được điều về chiến khu Việt Bắc. Tháng 8 năm 1949, ông được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng. Tháng 5 năm 1954, ông là Trưởng đoàn đại biểu của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Hội nghị Genève về Đông Dương. Từ tháng 9 năm 1954, ông giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng ban Đối ngoại của Trung ương Đảng. Ông là đại biểu Quốc hội liên tục từ khoá I (1946- 1960) đến khoá VII (1981- 1987). Từ tháng 9 năm 1955 đến tháng 12 năm 1986, ông liên tục giữ cương vị Thủ tướng Chính phủ (có lúc gọi là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng). Trong nhiều năm ông đảm đương nhiệm vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, Chủ tịch Hội đồng chi viện cho tiền tuyến.

Năm 1947, ông được bầu bổ sung ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng. Năm 1949 chuyển thành ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tại các Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, thứ III, thứ IV, thứ V Phạm Văn Đồng đều được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, thứ VII, thứ VIII ông được Ban Chấp hành Trung ương Đảng cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương; đến tháng 12 năm 1997 được kết thúc nhiệm vụ theo yêu cầu của ông.

Với bề dày hơn 70 năm hoạt động trong sự nghiệp Cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó nhiều năm giữ các cương vị lãnh đạo chủ chốt, ông được nhiều nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản và học giả trong nước, những người gần gũi với ông đánh giá là có nhiều đóng góp quan trọng trên nhiều lĩnh vực.

Ông đã được tặng thưởng Huân chương Sao vàng của Việt Nam và nhiều huân chương khác của Liên Xô, Lào, Campuchia, Cuba, Bulgaria, Ba Lan và Mông Cổ. Ngoài tuyến đường Phạm Văn Đồng ở quận Sơn Trà, tên ông còn được đặt cho nhiều tuyến đường lớn ở Hà Nội, Nha Trang,… Tại Quảng Ngãi, một trường đại học mang tên ông, dựa trên cơ sở nâng cấp trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ngãi và Trường Cao đẳng cộng đồng Quảng Ngãi. Ông Phạm Văn Đồng mất ngày 29 tháng 4 năm 2000.

Street

Data are being updated